Pages

Sunday, January 7, 2024

Vùng Cao Nguyên Konso

Tiếp tục cuộc hành trình, hôm nay chúng tôi sẽ đến thăm vùng cao nguyên Konso, nơi được đưa vào danh sách Di Sản Thế Giới của Unesco năm 2011 với nền văn hóa độc đáo đến từ địa hình cũng như những truyền thống đặc biệt và tầm văn hóa quan trọng của người dân Konso.

Trước khi đi, cả nhóm họp mặt ở nhà hàng của Paradise Lodge để dùng điểm tâm. Có dịp đến Ethiopia, tôi mới biết là cà phê bắt nguồn từ nơi này. Theo truyền thuyết, một người chăn dê tên Kaldi phát hiện ra tiềm năng của cây cà phê khi nhận thấy đàn dê của anh mang đầy năng lượng đến mức chúng không muốn ngủ vào ban đêm sau khi ăn những quả mọng chin đỏ từ loại cây này. Từ đó cà phê đã lan tràn khắp nơi trên thế giới và trở thành thức uống quen thuộc cho tất cả mọi người. Cà phê Ethiopia thuộc loại Arabica với hương thơm của dâu và cam quít, khác hẳn với cà phê Việt Nam thuộc loại Robusta và mang hương thơm của hạt dẻ và sô cô la. Được mời dự một buổi thưởng thức cà phê trong văn hóa Ethiopia là biểu tượng của tình bạn, sự tôn trọng và lòng hiếu khách tuyệt vời. Việc chuẩn bị cà phê cho khách được xem là một vinh dự và thường được dành cho bà chủ nhà với ba giai đoạn là rang, pha và thưởng thức cà phê. Cả ba giai đoạn này đều được thực hiện trước mặt khách tham dự.

Sáng hôm nay, cà phê của chúng tôi được chuẩn bị theo truyền thống đó. Đầu tiên, trầm sẽ được đốt lên như để xua đuổi ma quỷ và hương trầm sẽ được giữ cho đến cuối buổi. Kế đó cà phê sẽ được rang lên đưa hương thơm cà phê tỏa khắp phòng và không ít thì nhiều kích thích khứu giác khiến chúng tôi càng mong muốn được sớm thưởng thức một ly cà phê thơm nóng. Cà phê vừa rang xong sẽ được đưa vào một chiếc cối để giã bằng tay làm hương cà phê càng tăng mạnh hơn.

Bột cà phê được đun trong một chiếc bình cổ cao có nắp đậy kín khoảng 10 phút. Hình thể đặc biệt của chiếc bình cà phê Ethiopia giúp giữ hương thơm của cà phê trong bình cũng như giữ nguyên độ nóng khi cà phê được đem rót cho khách. Cà phê được rót đầy ắp vào một chiếc ly nhỏ. Việc rót cà phê cũng là một nghệ thuật vì nó được rót từ trên cao xuống và phải ngừng đúng lúc khi cà phê đầy đến miệng ly mà không bị tràn ra ngoài. Người Ethiopia thường uống cà phê với đường, họ ít khi dùng với sữa. Với cách pha chế như trên, cà phê Ehiopia đậm nhưng lại có hậu vị ngọt. Trong khi đó, cà phê Việt Nam đắng gắt hơn đem đến một khẩu vị ngọt đắng đặc biệt khi dùng với sữa đặc có đường.
 



Cao nguyên Konso nằm ở phía Tây Nam của Ethiopia là một vùng đất rộng 55km2 ở độ cao khoảng 2,000m với đồi núi khô cằn là nơi sinh sống của những người nói tiếng Konso. Họ ở trong những khu định cư trên đỉnh đồi có tường đá bao quanh. Với lượng mưa ít ỏi, nặng hạt nhưng lại bất thường, để có thể canh tác và tránh sạt lỡ họ đã biến những vùng đồi khô cằn thành những thửa ruộng bậc thang được chống đỡ bởi những bức tường đá. Thành phố Karat là thủ phủ của cao nguyên Konso. Karat chỉ cách Paradise Lodge khoảng 90km nhưng phải mất hai tiếng lái xe không ngừng nghỉ mới đến nơi được trong khoảng thời gian này vì đường đi phần lớn là đường đất ngoằn ngoèo, bụi mù đầy trời mỗi khi có một chiếc xe lớn chạy ngang. Thêm vào đó ông tài xế còn phải chạy chậm lại để tránh những người đi bộ trên lưng mang đầy rau quả, nước, củi hay những đàn súc vật đi đầy đường. 



Chúng tôi đến thành phố Karat khoảng hơn 11g trưa. Vừa nhìn thấy dòng suối nhỏ với sự sống động của sinh hoạt địa phương như lấy nước về dùng, cho trâu bò uống, cả nhóm ai cũng muốn ngừng lại để chụp một ít hình. Anh hướng dẫn viên Gashaw có vẻ e ngại nhưng rồi cũng chiều ý ngừng xe cho chúng tôi chụp hình. Anh đề nghị mọi người cố gắng chụp nhanh trong vòng 10-15 phút rồi lên xe đi tiếp. Lúc xuống xe Gashaw dặn dò chúng tôi đừng đi xa để nếu có gì trở ngại, anh có thể can thiệp kịp thời phòng những bất ngờ không hay có thể đến với chúng tôi. 
 
 

Sau khi chụp xong, hầu hết mọi người đã lên xe chỉ còn thiếu một người. Gashaw dặn ông tài xế khóa cửa xe trong khi chờ anh đi kiếm người vắng mặt. Thoáng chốc xe của chúng tôi đã bị bao quanh bởi rất nhiều người dân địa phương. Người lớn đứng nhìn có lẽ vì tò mò, còn con nít thì gõ vào kính xe xin tiền, bánh kẹo hay bất cứ đồ dùng gì mà chúng tôi có thể cho. Với cảm giác bị bao vây mà không đoán được chuyện gì có thể xảy ra, sự lo sợ hiện rõ trên khuôn mặt của mỗi người trong xe. Với chừng đó người, nếu họ muốn lật xe chúng tôi thì dễ như chơi. Ai cũng mong sớm được rời khỏi nơi này. Mọi người thở phào nhẹ nhõm khi xe bắt đầu lăn bánh.

Lúc này nếu đến thẳng ngôi làng Konso mà chúng tôi dự định ghé thăm sẽ gần vào buổi ăn trưa. Như vậy rất bất tiện cho người dân trong làng. Gashaw đề nghị đưa chúng tôi đi ăn trưa trước rồi sau đó mới ghé đến làng, như vậy thì giờ thăm viếng sẽ rộng rãi hơn.

Chúng tôi dùng bữa trưa ở Kanta Lodge, một khách sạn nên thơ nằm không xa thành phố. Đường vào Kanta Lodge được tô điểm với hai hàng hoa phượng nở đỏ thắm. Ethiopia thuộc Nam Bán Cầu nên bốn mùa đến vào những thời khắc khác hẳn với Việt Nam hay Bắc Mỹ. Vào tháng Ba mà hoa phượng đã nở đỏ thắm.



Sau khi dùng bữa trưa xong, chúng tôi lái thêm một đoạn đường ngắn nữa để đến một ngôi làng Konso trong vùng Gamole. Ngôi làng này đã được thành lập cách đây hơn 400 năm. Thông thường các thị trấn hay khu định cư Konso nằm trên vùng đồng bằng cao hoặc đỉnh đồi được lựa chọn với lợi thế chiến lược và phòng thủ. Chúng được bao quanh bằng một cho đến sáu vòng tường phòng thủ hình tròn đồng tâm xây bằng đá khô sẵn có ở địa phương. Những bức tường paletas này thật ấn tượng vì chúng có thể cao tới 4m và bề ngang có thể lên đến 2.5m. Thường mỗi thị trấn chỉ có ba đến bốn lối vào sau khi đi qua những con đường dốc quanh co, cốt để tránh người lạ xâm nhập hoặc những vụ trộm cắp súc vật hay những cuộc tấn công từ các bộ lạc lân cận. Trong trường hợp dân số tăng quá mức chứa của thị trấn hiện tại, những gia đình mới sẽ cất nhà của họ ở bên ngoài thị trấn và một bức tường đá mới được dựng lên bao quanh bức tường hiện tại để bảo vệ những ngôi nhà mới này đồng thời tạo thêm sức đề kháng cho thị trấn. Vào đầu thập niên 1960, người Konso có dân số khoảng 50-60 ngàn người.

Quang cảnh của cao nguyên Konso được đặc trưng bởi các bậc thang đá khô rộng lớn, một minh chứng cho sự bền bỉ của con người trong việc sử dụng và khai thác một môi trường khô cứng đầy đá sỏi và ít mưa. Như nhiều nơi khác, ruộng bậc thang được tạo dựng để giữ đất khỏi bị sói mòn, thu được tối đa nước cũng như dễ xả bớt đi lượng nước dư thừa. Trên những thửa ruộng bậc thang này, người Konso trồng loại ngũ cốc tên sorghum (một loại bo bo hay còn được gọi là lúa miến) ở vùng đồi thấp và trồng bắp ở vùng đồi cao nên không có cảnh ruộng bậc thang xanh mướt và xinh đẹp như ở miền Bắc Việt Nam. Vừa đến cửa, hai người hướng dẫn địa phương đã đứng đợi sẵn để giúp thông dịch với người Konso. Theo chương trình chúng tôi phải đến đây sớm trước giờ trưa nên họ phải đợi chúng tôi cả 2-3 tiếng. 

Mỗi ngôi làng Konso có nhiều địa điểm tập họp công cộng được gọi là Mora, nơi đó có một khoảng sân rộng với một ngôi lều lớn hình tròn với vách đá và những cột cây đỡ lấy mái tranh Tukulus. Số Mora tùy thuộc vào làng lớn hay nhỏ, những ngôi làng lớn có thể có tới 18 Mora. Mora mang một ý nghĩa to lớn đối với người Konso. Chúng được dùng làm địa diểm cho các cuộc hòa giải, lễ lộc, sinh hoạt giải trí, các buổi tập họp công cộng hay để phê duyệt các quy định mới. Ngoài những ngày có nghi lễ hay sinh hoạt cộng đồng, ngôi lều ở Mora chỉ dành riêng cho nam giới lớn nhỏ. Ban ngày họ có thể ngồi chơi hay đánh cờ. Ban đêm những người đàn ông đã có gia đình thường ra ngủ cùng với những thanh niên độc thân.

Ở đây người ta cũng tìm thấy những cột cây cao được gọi là cây thế hệ (generation tree) để đánh dấu thời gian trôi qua. Cây thế hệ được dựng lên cứ mỗi 18 năm trong buổi lễ Olahita đánh dấu sự khởi đầu của một thế hệ mới. Trong buổi lễ này những trẻ em hay thanh niên từ 8 tuổi đến 25 tuổi đều phải tham dự. 




Mora cũng là nơi những người đàn ông Konso ngồi chơi Lamlameta, một trò chơi bàn cờ lâu đời nhất của Konso, tương tự như ô quan của Việt Nam, nhưng mỗi bên có tới 12 ô.


Đi ngang qua khu Mora, chúng tôi theo người hướng dẫn tiến vào con đường đất dẫn vào làng. Anh dặn chúng tôi đi theo sát phía sau anh vì nếu bị lạc sẽ khó tìm đường ra, nhất là chúng tôi không nói được tiếng Konso mà tìm được người nói tiếng Anh cũng không dễ gì. Sau khi đi được một đoạn, chúng tôi phải công nhận việc anh nói là đúng. Những con đường làng nhỏ không theo một thứ tự nào cả và cũng không có tên nên không phải là người trong làng chắc khó tìm được đường trở lại chốn cũ.

Như kể trên chúng tôi đến trễ hơn giờ hẹn nên ban chức sắc trong làng phải dự một buổi họp, họ không thể đi cùng chúng tôi. Vắng mặt những người chức sắc, nhiều dân làng nhất là trẻ nhỏ đi theo chúng tôi, có người đi theo vì tò mò, có người lại e dè với sự hiện diện của những người ngoại quốc lạ hoắc xâm nhập vào làng. Vì sự thiếu thiện cảm này, thỉnh thoảng có những hòn đá nhỏ ném về phía chúng tôi như ngầm bảo chúng tôi nên sớm rời khỏi làng của họ.




Càng vào sâu trong làng, đường càng nhỏ dần, có nhiều chỗ chỉ vừa đủ cho một người đi. Mỗi ngôi làng Konso được chia làm nhiều khu vực rồi từ khu vực chia thành phường xóm. Mỗi phường có thể chứa được từ 20 đến 80 ngôi nhà. Một ngôi nhà trung bình có nhiền căn chòi được dùng làm chỗ ngủ, nhà bếp, kho chứa ngũ cốc và chuồng nuôi động vật. Mỗi ngôi nhà được bao quanh bởi hàng rào đá và gỗ tạo thành những bức tường liên tục chạy quanh co trong làng dọc theo những con đường nhỏ hẹp. Chòi thường được xây hai tầng với tầng trên để ngủ và tầng dưới dành cho súc vật. Ngoài ra có những nhà còn xếp đặt một căn bếp sơ sài ngoài trời bằng những cục đá to kê lại để có thể để nồi lên trên và nhóm lửa bên dưới. Người Konso theo chế độ đa thê nhưng ít ông có đủ tài sản để nuôi nhiều vợ. Ông chồng ở căn nhà chính với bà vợ lớn nhưng phải xây một căn nhà riêng cho mỗi bà vợ nhỏ để tránh sự ghen tuông giữa các bà. 


Đi ngang qua mỗi căn nhà, điều đập vào mắt chúng tôi là chiếc cổng gỗ dẫn vào nhà. Mỗi chiếc cổng là cả một nghệ thuật. Chúng được khéo léo gắn bằng những thân gỗ mộc mạc không cần mài dũa. Những thân gỗ này được trồng xuống đất rồi sau đó dựa vào nhau mà không cần đinh đóng dính lại nhưng vẫn đứng vững chắc từ năm này qua năm khác.


 
Đi ngang qua một căn nhà, chúng tôi thấy một số tượng gỗ được bày giữa sân. Đây là một đặc trưng trong truyền thống tang lễ Konso. Những bức tượng Waga này được dựng lên làm bia mộ cho những người đàn ông quan trọng hay những anh hùng của làng. Chúng được chạm khắc bằng gỗ, mô phỏng theo người đã khuất với câu chuyện về cuộc đời hay thành tích dũng cảm của họ. Những bức tượng này thường được bao quanh bởi tượng của vợ, của kẻ thù bị họ đánh bại hay động vật hung dữ bị họ đáng gục. Người Konso tiếp tục truyền thống này với tất cả sự tự hào và niềm tôn kính đối với người đã khuất.

Đi dọc theo các bức tường, chúng tôi bắt gặp những đứa trẻ Konso nép nhìn chúng tôi với đôi mắt hiếu kỳ, đó là một trong những khoảnh khắc mà tôi yêu thích ở Ethiopia. 
 



Đi loanh quanh khoảng nửa tiếng đồng hồ, số người Konso đi theo chúng tôi càng lúc càng đông. Những đứa trẻ đi theo sau, có em chìa tay xin tiền bập bẹ mấy chữ “Money! Money”, còn một vài em khác đem theo những món quà lưu niệm mời chúng tôi mua. Hai người hướng dẫn địa phương trở nên lo lắng nhưng dặn chúng tôi không nên cho tiền vì nếu cho một em thì sẽ bị càng nhiều người đi theo nữa. Họ đề nghị chúng tôi ra về rồi hôm khác trở lại nhưng với thời gian hạn hẹp ở Arba Minch, chúng tôi chắc chắn không có thể nào quay lại ngôi làng này được. Vì vậy, trưởng đoàn Thịnh nhất định không bỏ cuộc, cậu dẫn chúng tôi đi sâu hơn vào làng.

Giờ này có lẽ người trong làng đã đi ra ngoài đồng làm việc nên thỉnh thoảng mới thấy vài nhà có người. Đi ngang qua một căn nhà nhìn bà chủ nhà có vẻ hiền lành đang ngồi với hai cậu con nhỏ, chúng tôi xin phép bà vào thăm nhà và được bà đồng ý. Trước đó, chúng tôi đã xin vào vài căn nhưng bị từ chối vì chủ nhà đi vắng. Căn nhà của bà cũng tương tự như những căn nhà khác chỉ riêng túp lều đựng ngũ cốc hơi khác và được làm hoàn toàn bằng tranh. Bà chủ cũng rất tự nhiên không ngại làm mẫu cho chúng tôi. Nhân đó, một cậu bé bán quà lưu niệm cũng được mời làm mẫu. Cậu leo lên tầng hai của một túp và đeo chiếc kính mắt lưu niệm mà cậu đã theo mời chúng tôi mua trước đó. Trước khi ra về, Gashaw không quên gởi cho họ một chút quà để cám ơn bà chủ nhà và cậu bé đã dành thì giờ cho nhóm





Trên đường đi ngược ra lối đi chính, chúng tôi thấy có một làn khói mỏng bay nhẹ lên như từ bếp lửa nhà ai. Thịnh đi nhanh đến nơi và thấy bà chủ nhà đang chuẩn bị làm bếp cho cơm chiều thế là Thịnh mau mắn nhờ người hướng dẫn xin phép ông bà chủ nhà cho chúng tôi chụp hình sinh hoạt của gia đình họ. Bà chủ đang nhóm lửa ở cái bếp đơn sơ kê bằng vài cục đá để nấu nồi cháo sorghum (tạm dịch là lúa miến). Lúa miến là một trong những loại ngũ cốc chính ở Phi Châu không có chứa chất gluten và mang nhiều chất chống oxy hóa (antioxidant), rất tốt cho những ai bị dị ứng với gluten. Người Phi Châu dùng lúa miến để nấu cháo, xay thành bột làm bánh hay bánh mì hoặc ủ thành rượu. Ngoài Phi Châu, lúa miến cũng rất phổ thông trong nền ẩm thực Á Châu, một vài loại lúa miến chẳng hạn như lúa miến màu đỏ được đặc biệt dùng để làm rượu.


Bên cạnh bếp là căn chòi để cất giữ lương thực. Ông bà có hai người con trai, cậu lớn đang ngồi để được người lớn bắt chí cho cậu. Mọi người trong đoàn nói đùa với nhau là họ chỉ cần cái lược chải chí của Việt Nam là giải quyết xong ngay. Trước lều có những chiếc bình màu vàng rất phổ thông ở Ethiopia. Đây là chiếc bình lớn dùng để lấy nước ở hồ hoặc ở những dòng suối nhỏ. Có nhiều người phải đi thật xa, băng qua đồi núi để đến được nơi có nguồn nước. Thường thì họ phải đi bộ và vác sau lưng để đem về nhà. Thật là cực nhọc, nhất là khi phải leo đồi.

Giữa những căn nhà này thường là một khoảng sân khá rộng dùng cho những sinh hoạt khác chẳng hạn như phơi bắp để dành ăn lâu dài.


Đời sống của người Konso thật giản dị và có lẽ nhiều năm nữa cũng không thay đổi vì nhiều lý do khác nhau: nước quá nghèo, hạ tầng cơ sở yếu kém, không được tiếp cận với những tiện nghi mới hay những kỹ thuật tân tiến để giúp cho đời sống người dân ở đây đỡ vất vả hơn.

Nếu nhìn tổng quát về địa hình với núi đá khô cằn và lượng mưa thất thường, người Konso thật đáng khen với nghệ thuật kết hợp đá và thân cây khô của họ để tạo thành một cảnh quan độc đáo, xứng đáng được ghi vào danh sách Di Sản Thế Giới của Unesco. 

Dzung Tran
01/07/2024

No comments:

Post a Comment