Đến nơi, hai chiếc thuyền máy nhỏ đã đợi sẵn để đưa chúng tôi đi dạo quanh hồ. Đường xuống thuyền là một cây cầu gỗ thô sơ khiến người đi cũng có phần e ngại. Bến đỗ của những con thuyền này có rất nhiều cây khô che khuất mất tầm nhìn của người đến thưởng ngoạn nhưng ngược lại sẽ che chở những con thuyền này khi gió lên.
Sau khi chúng tôi đeo áo phao và xuống thuyền, người lái thuyền bắt đầu len lỏi qua những đám cây khô đưa chúng tôi ra giữa hồ để nhìn ngắm khung cảnh bao la của hồ Chamo.
Vừa bấm vài tấm hình của rặng cây khô, chúng tôi gặp một người dân địa phương đang câu cá giữa hồ. Ông ta ngồi trên một chiếc bè gỗ được kết nối những thân gỗ với nhau một cách thô sơ. Mái chèo là một thân cây có gắn hai miếng kim loại tròn tròn ở hai đầu. Chiếc lưới cá được thả bên cạnh. Biết chúng tôi muốn chụp hình ông ta, Gashaw nhờ hai người tài công thông dịch cho ông ấy chèo thuyền và xoay chuyển một vài vị trí để chúng tôi có thể lấy những góc cạnh tốt hơn.
Càng ra xa, chúng tôi càng thấy mình nhỏ bé trước cảnh trời mênh mông giữa vùng nước bao la với những ngọn núi mờ sương.
Đi được một lúc, mặt hồ chỉ còn hai con thuyền của chúng tôi, mọi người bắt đầu tự hỏi có nên đi thêm nữa không hay nên quay thuyền về bến vì cho đến giờ chỉ thấy non nước mênh mông, thỉnh thoảng có vài cây khô đứng chơ vơ giữa hồ. Trong không khí yên lặng buồn chán đó, mọi người bỗng nghe tiếng của Thịnh la lên “Đằng kia có chim đại bàng. Mọi người chuẩn bị ống kính nha”. Cả nhóm nhìn theo hướng tay của Thịnh thì quả thật trên một cành cây khô giữa hồ đang có một chú chim khá to đậu trên đó. Thuyền lại gần, mọi người mới biết đó là loại chim đại bàng săn cá Phi Châu (African fish eagle).
Cả nhóm thật vui mừng vì hiếm khi gặp được chim đại bàng, thêm nữa lại là loài chim đại bàng chỉ có thể gặp ở Phi Châu. Ngay như ở Thung Lũng Hoa Vàng, chúng tôi thường chỉ chụp được chim đại bàng loại bald eagle, tạm dịch là chịm đại bàng đầu sói thường thấy ở Bắc Mỹ, vào mùa chim bay về làm tổ để sinh sản và nuôi chim con cho đến khi có thể tự bay được. Loài chim African fish eagle có hình dáng rất gần với chim bald eagle ngoài một vài điểm khác biệt như vùng lông trắng ở đầu và cổ chạy xuống vùng ngực sâu hơn, có thêm một chút lông trắng ở đuôi. Thêm vào đó chú chim đại bàng Phi Châu này có đôi mắt đậm màu chứ không phải màu vàng như chim đại bàng Bắc Mỹ.
Ai có mang theo ống kính dài dùng để chụp chim hay động vật hoang dã đều lấy ra sẵn sàng để có thể chụp được cận cảnh. Thuyền chúng tôi tiến lại gần chỗ chim đang đậu. Mọi người nhốn nháo đứng lên tiến về phía bên phải của thuyền để không bị vướng khi chụp khiến thuyền chòng chành như muốn chao qua một bên. Ông tài công phải nhắc nhở mọi người cố gắng đứng đều hai bên để tránh cho thuyền bị lật. Sau đó thì không còn nghe tiếng động nào khác ngoài những tiếng máy chụp hình bấm click, click, click, click… vang lên liên tục.
Chụp mãi vẫn không chán, nếu không có ông tải công nhắc mọi người nên đi đến điểm kế tiếp, có lẽ chúng tôi sẽ không ngần ngại ở đây chụp cho đến khi chim bay đi. Chỗ chúng tôi đến sau đó là nơi trú ngụ của một đàn cá sấu. Chúng nhìn giống như những con cá sấu giả nằm bất động trên mặt đất, trên mặt nước hay nửa trên nửa dưới nếu không có gì làm cho chúng di động. Anh tài công cố gắng đưa chúng tôi lại gần nhưng vẫn giữ một khoảng cách an toàn. Anh tạm tắt máy và dặn mọi người giữ im lặng để tránh làm chúng kinh động mà khi thức giấc chúng có thể gây khó khăn cho chúng tôi. Tuy trước đây tôi có chụp cá sấu một vài lần nhưng đều ở trong sở thú. Đây là lần đầu tiên tôi được chụp cá sấu khá gần và trong khung cảnh hoang dã như thế này.
Một loại sinh vật thường thấy ở hồ này là hà mã hay trâu nước. Ông tài công chở chúng tôi đến nơi hà mã hay xuất hiện nhưng không thấy bóng dáng một con nào. Cả nhóm những tưởng đã về tay không, nhưng vào lúc không ai ngờ nhất thì một đám hà mã xuất hiện ở phía xa. Mọi người reo hò hối ông tài công lái nhanh về phía đó vì sợ chúng đi mất. Thuyền chúng tôi tuy tiến lại gần hơn, nhưng ông tài công giữ khoảng cách giữa thuyền và đám hà mã này khá xa. Lý do mà tôi được biết là vì hà mã là một sinh vật hoang dã rất hung dữ và cũng là loài động vật có vú trên cạn nguy hiểm nhất Phi Châu. Không chỉ với kích thước và trọng lượng (khoàng 1500 kg) khiến chúng trở nên nguy hiểm mà còn có cả hàm răng rất sắc nhọn của chúng nữa.
Đúng là hôm nay chúng tôi được ông trời đãi ngộ. Trên đường về bến, chúng tôi lại gặp một chú chim đại bàng đứng yên trên cành khô. Thế là lại có dịp lấy máy hình ra bấm lia lịa.
Lúc lên xe trở về khách sạn Paradise Lodge, chúng tôi mới bắt đầu cảm thấy cơn đói hoành hành vì buổi trưa chúng tôi chỉ ăn nhẹ đế có thể đến hồ vào thời gian dự tính.
Paradise Lodge là một khách sạn xinh sắn nằm bên bờ hồ Abaya ở phía Bắc của hồ Chamo và lớn hơn hồ Chamo nhiều. Đa số những căn phòng của Paradise Lodge đều được xây theo kiểu lều truyền thống của Ethiopia với hình tròn và mái tranh. Tường ở đây làm bằng đá với xi măng, chứ không dùng tre, ván thô hoặc trát bùn như những ngôi lều bình dân. Bên trong phòng được trưng bày giản dị nhưng nên thơ và giường có giăng mùng để tránh muỗi đốt ban đêm. Đáng lẽ phòng của tôi ở cuối dãy nhưng vì khá mệt sau một ngày dài, vài người trong chúng tôi đổi phòng gần hơn để khỏi phải kéo hành lý đi xa. Hơn nữa những phòng này nhìn ra hồ thay vì chỉ thấy cảnh núi. Ăn tối xong, chúng tôi về phòng và ra trước hàng hiên ngồi để đón hoàng hôn buông xuống. Cảnh vật chung quanh thật thơ mộng như đưa chúng tôi đến một thế giới riêng biệt, khác hẳn đời sống khó khăn của người Ethiopia mà chúng tôi đã có dịp thấy được trên đường đi hôm nay.
Trần Dzung
10/31/2023
No comments:
Post a Comment